Cây lúa có khả năng đẻ nhánh rất lớn, tuy nhiên, số nhánh hữu
hiệu là nhánh cho bông, chỉ chiếm tỷ lệ 20-40%. Những nhánh vô hiệu là
nhánh không trổ bông với số lượng lớn chiếm từ 60- 80% sẽ sử dụng nhiều
dinh dưỡng trong đất làm tăng chi phí phân bón, tăng diện tích lá, làm
cho ruộng bị rợp, tăng độ ẩm không khí trong ruộng tạo điều kiện thuận
lợi cho các loại sâu, bệnh phát sinh, phát triển và gây hại cho lúa.
Do đó, trong cách chăm sóc lúa để tăng cường việc đẻ nhánh, nông dân cần
chú ý bón phân đúng cách, đúng lúc và điều tiết mực nước trong ruộng
phù hợp nhằm giúp lúa tăng số nhánh hữu hiệu.
Để hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu bằng cách bón phân đạm sớm, bón tập
trung. Khi lúa mới chỉ có 3-4 lá thật (tức là sau sạ 18- 20 ngày, sau
cấy khoảng 10- 15 ngày), bắt đầu bón thúc đẻ nhánh và bón với lượng phân
urê từ 3- 4 kg/sào.
Nên bón phân đạm sớm kết hợp với phân kali (tỷ lệ 2đạm/1kali). Có thể
bón phân đạm dạng hỗn hợp thường được sử dụng phổ biến dưới dạng phân
tổng hợp NPK. Phân tổng hợp NPK có nhiều ưu điểm, do mỗi thành phần dinh
dưỡng được bao bọc bởi một lớp phụ gia đặc biệt nên quá trình hoà tan
chậm, dinh dưỡng trong phân được giải phóng dần nên hiệu quả sử dụng
phân cao (70- 80%), thời gian sử dụng phân dài (35-40 ngày sau bón), lúa
ít bị chết rét.
Lưu ý khi bón phân thúc đẻ nhánh và đón đòng cho lúa phải kịp thời và
đúng lượng quy định, vì đây là giai đoạn quan trọng nhất có ảnh hưởng
rất lớn đến năng suất của cây lúa. Không bón phân nhiều lần làm cho lúa
đẻ lai rai, ảnh hưởng đến năng suất. Nên bón phân tập trung, tránh bón
muộn phân urê, phân NPK cho lúa và bón nhiều lần làm thời gian lúa đẻ
kéo dài, sinh ra nhiều nhánh lúa vô hiệu.
Điều tiết nước trong ruộng lúa một cách hợp lý và khoa học cũng là một
cách hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu. Cần áp dụng biện pháp tưới tiêu hợp
lý, khoa học để tăng năng suất và tiết kiệm nước, cụ thể cách tưới là:
Sau khi gieo 6- 7 ngày, cho nước vào và tăng dần theo chiều cao của lúa
để hạn chế cỏ dại. Đối với lúa cấy, khi cấy xong cho nước vào 3- 5 cm để
lúa nhanh hồi xanh.
Khi lúa bắt đầu đẻ nhánh tháo cạn nước chỉ để 3- 5 cm kết hợp bón phân
thúc lần 1 và xới xáo sục bùn. Khi lúa kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu (sau
gieo hoặc cấy 25 - 35 ngày tuỳ theo thời gian sinh trưởng của từng
giống) cho nước ngập 7 - 10 cm để khống chế lúa đẻ nhánh lai rai.
Nếu gặp thời tiết bất thuận như nắng nóng trên 35oC hoặc rét dưới 16oC,
cần cho nước vào ngập ruộng từ 10- 15 cm tuỳ theo chiều cao cây để chống
nóng, chống rét cho lúa.
Để có một vụ mùa bội thu, bà con nông dân tiến hành chăm sóc, bón phân
cho lúa đúng cách và đúng lúc kết hợp với kịp thời phòng chống các loại
sâu bệnh.
Bài, ảnh: Trần Anh Minh